Khoảng 18 giờ hằng ngày,ánhbúnriêucủangườibàtầntảonuôicháuAikhómìnhthêmthịtchảono rikka trên QL13 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tấp nập người qua lại, bà Vũ Thị Nga (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) dáng người nhỏ gầy liên tục phục vụ khách đến ăn bún riêu.
"Gánh" cả gia đình
Suốt 15 năm qua, bà Nga bán bún bò, cơm tấm và đến bún riêu. Bên cạnh nồi nước lèo nóng hổi nghi ngút khói là thịt giò, rau giá được sắp xếp trong tủ kính vô cùng gọn gàng và sạch sẽ. Khách đến ăn đều gọi bà một tiếng thân thương "Ngoại ơi!". Bà chia sẻ, tưởng đến già sẽ có con cái chăm sóc nhưng con bà đều đã đi làm ăn xa, cuộc sống cũng nhiều khó khăn.
Vì vậy bà phải tự mưu sinh để kiếm tiền nuôi dưỡng 3 người cháu. Vì không đủ điều kiện nên 2 người cháu lớn phải nghỉ học tìm cách phụ giúp bà, còn người cháu nhỏ nhất nay đang học lớp 7. "Ráng bám vào cái nghề bán bún riêu nuôi cháu, làm được ngày nào hay ngày đó. Nếu không cho nó đi học thì nó còn khổ nữa", bà nhẹ nhàng nói.
Lúc chúng tôi đến, bà Nga cùng 2 người cháu gái liên tục làm để khách không phải đợi lâu. Giá của một tô bún riêu là 30.000 đồng.
Bạn Trần Minh Thuận (21 tuổi, sinh viên Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) chia sẻ: "Bà bán bún riêu vừa với túi tiền nên mình luôn ủng hộ. Bún riêu bà nấu rất vừa và ngon miệng, biết gia cảnh của bà mình cũng hay rủ bạn bè đến ủng hộ".
Bà Nguyễn Thị Nga (59 tuổi, Q.Bình Thạnh) vì thương bà nghèo khó nên đã cho mượn mặt bằng, những ngày khách đông bà cũng ra phụ bà cháu bán. "Thấy không ai cho bà thuê, bán ở đâu cũng bị đuổi đi nên tôi thương cho bà mượn mặt bằng bán qua ngày. Bà thật thà, một thân nuôi cháu tôi thấy tội nghiệp lắm".
"Mình nghèo nhưng tâm không nghèo!"
Nhiều lúc trời mưa bão, bà chỉ vội chạy vào chỗ nào đó trú rồi lại tiếp tục bán. Xong hàng, bà trở về nhà chăm cháu, dọn dẹp nhà cửa, nằm nghỉ được vài tiếng lại tiếp tục lo cho gánh bún riêu "miếng cơm của cả gia đình".
Theo lời kể, cuộc đời của bà cũng đầy gian truân. 6 tháng trước, khi tích góp được một số vốn bà thuê căn phòng ở đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), không may sự cố cháy xảy ra, mọi của cải bị cháy hết. "Hồi đó khổ lắm, nếu tính 10 phần khổ thì bây giờ đã đỡ khổ hơn 9 phần rồi. Đi bán nhiều chỗ nhưng người ta đồn mình xui xẻo nên đuổi đi. Cũng may có cô chú ở đường này thấy hoàn cảnh của mình khổ nên cho mượn mặt bằng bán bún riêu. Người ta giúp mình là biết ơn dữ lắm, không giúp thì bà cháu tôi giờ này đâu được ngồi như thế này".
Bà cho biết, ngày nào cũng vậy cứ 6 giờ sáng là dậy đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu. Bà ưu tiên nguyên liệu tươi mới, xử lý xong là chế biến ngay để giữ sự tươi ngon. Bà nói, bán để khách còn quay lại mua, chứ không thể bán một lần rồi người ta đi luôn. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn bà luôn cho thêm thịt, chả mà không một chút do dự. "Không có tiền từ thiện nhưng có cái tâm. Mình dùng nghề của mình để bán rẻ cho người ta có cái ăn. Nghèo thì có nghèo nhưng lòng mình không nghèo", bà bày tỏ.
Bún riêu của bà bán buổi tối từ 18 giờ đến 1 giờ sáng. Nếu mệt quá, bà ngồi trên ghế chợp mắt một chút, cứ có người đến mua là bán, bất kể ngày đêm. Ông Võ Văn Non (55 tuổi, H.Hóc Môn) là "khách ruột" của bà Nga, đi giao hàng qua khu vực này ông đều ghé quán bà ăn, cũng được 4 năm. "Bà bán ngon, chất lượng, hợp với túi tiền. Khi biết được hoàn cảnh của bà, dù không tiện đường lắm nhưng mỗi tuần tôi vẫn đều đặn ghé mua 3 - 4 lần, xem như ủng hộ bà vì thấy hoàn cảnh thương quá!", ông Non nói.
Chị Trương Thanh Vy (17 tuổi, cháu bà Nga) chia sẻ vì hoàn cảnh nghèo khó nên năm trước chị quyết định nghỉ học để phụ bà bán bún. "Thương bà lắm, bà là người lo cho tôi tất cả. Tôi mong bà bán được nhiều để có tiền thuê mặt bằng để không sợ mưa nữa, cứ mưa là bà cháu chạy khổ lắm". Với bà Nga, gánh bún riêu này là tài sản của cả cuộc đời. Ở tuổi xế chiều, mong ước duy nhất của người bà là được sống mạnh khỏe để tiếp tục mưu sinh nuôi các cháu.